Chứng nhận bảo vệ rừng FSC
Chứng nhận bảo vệ rừng FSC là gì ?
Chứng nhận bảo vệ rừng FSC (Forest Stewardship Council) là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).
Chứng nhận này do Hội đồng quản lý rừng thế giới FSC (Forest Stewardship Council) – tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển & quản lý rừng bền vững. Có mặt tại hơn 50 quốc gia với hơn 850 thành viên bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các tổ chức quản lý chứng nhận quốc tế, trung tâm phát triển cộng đồng, các doanh nghiệp… Hội đồng quản lý rừng thế giới (FSC) là một tổ chức uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu. FSC cũng có mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ khác như Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, Tổ chức Hòa bình xanh Greenpeace, Oxfam…trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và phát triển, quản lý rừng nói riêng. Rất nhiều các quốc gia và dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ FSC để phát triển rừng bền vững như dự án trồng rừng keo mang giá trị kinh tế cao – giúp phủ xanh đồi trọc tại Việt Nam, bảo vệ rừng đặc dụng tại Indonesia, Mexico…
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi, khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững, Hội đồng quản lý rừng FSC đã xây dựng chứng nhận FSC với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Đây là căn cứ để chứng nhận cho các cơ sở quản lý rừng, các nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của FSC.
Lợi ích của chứng nhận FSC
- Về mặt môi trường: Chứng nhận FSC góp phần bảo vệ môi trường và nguồn sinh thái tự nhiên
- Về mặt xã hội: Chứng chỉ FSC thể hiện trách nhiệm của tổ chức này đối với xã hội và cuộc sống của con người
- Về mặt kinh tế: FSC certificate giúp giảm thiểu lãng phí từ các nguồn tài nguyên rừng. Các sản phẩm từ rừng được gắn nhãn FSC có giá trị kinh tế cao. Theo thống kê của tổ chức này, các sản phẩm có chứng chỉ FSC có giá trị kinh tế cao hơn từ 20 – 30% so với các sản phẩm cùng loại
- Về mặt thương hiệu: Thương hiệu của bạn sẽ được nâng tầm nếu như bạn nhận được chứng nhận này. Công ty của bạn có thể sử dụng FSC để truyền thông cho các sản phẩm của mình.
10 nguyên tắc chính mà FSC áp dụng
- Nguyên tắc 1: Tuân thủ theo pháp luật và các nguyên tắc nội bộ của FSC.
- Nguyên tắc 2: Quyền và trách nhiệm đối với với việc sử dụng và sở hữu.
- Nguyên tắc 3: Quyền của người bản xứ.
- Nguyên tắc 4: Mối quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động.
- Nguyên tắc 5: Các lợi ích từ rừng.
- Nguyên tắc 6: Tác động về môi trường.
- Nguyên tắc 7: Kế hoạch quản lý.
- Nguyên tắc 8: Giám sát và đánh giá.
- Nguyên tắc 9: Duy trì các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.
- Nguyên tắc 10: Các khu rừng trồng.
Chứng chỉ FSC – chứng nhận tiêu chuẩn rừng
Chứng nhận FSC được cấp cho tổ chức sau khi được FSC công nhận và đánh giá. Hiện nay, đang có 3 loại chứng chỉ FSC được các Tổ chức chứng nhận cấp. Đó là:
- FSC-FM (FSC Forest Management) Certificate: Chứng nhận Quản lý rừng. Được cấp cho một khu rừng hoặc các khu rừng xác định. Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và kinh tế theo yêu cầu của FSC.
- FSC-CoC (FSC-Chain of Custody) Certificate: Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm. Cấp cho các tổ chức đã chứng minh được các sản phẩm gỗ có nguồn gốc được chứng nhận.
- FSC-CoC/CW (FSC-Chain of Custody/Control Wood) Certificate: Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm/Đánh giá nguồn gốc gỗ có kiểm soát.